TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐÀ NẴNG

Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học Đà Nẵng Khởi Động Chương Trình Khoa Học – Công Nghệ Phát Triển Dược Liệu Bản Địa Tại Hoà Vang

Nằm trong định hướng chiến lược phát huy tài nguyên bản địa để tạo ra các sản phẩm giá trị cao phục vụ khởi nghiệp và phát triển chuỗi giá trị mới, ngày 14/11/2024, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng (DBC) đã phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Phong Dana tổ chức chuyến điều nghiên khảo sát về các loài dược liệu bản địa tại huyện Hoà Vang.

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại xã Hòa Nhơn (bên trái) và xã Hòa Tiến (bên phải)

Qua khảo sát tại xã Hòa Nhơn, đoàn công tác đã phát hiện những quần thể Tràm gió và Thanh hau bản địa quý hiếm tại khu vực đồi núi phía Tây. Tuy nhiên, các quần thể này đang bị phân tán và có nguy cơ bị tận diệt do người dân chuyển đổi sang trồng Keo lai. Theo ông Nguyễn Nhơn (xã Hoà Nhơn), “Diện tích rừng tràm bản địa đã giảm sút nghiêm trọng do tác động khai thác quá mức và sự thay đổi trong phương thức canh tác”.

Ông Nguyễn Nhơn chia sẻ cùng với đoàn công tác

Điều đáng mừng là khu vực này có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất phù hợp cho việc phục hồi và phát triển các quần thể này. Đất đai tại đây bao gồm đất phù sa cổ, đất đỏ bazan và đất sét pha cát – những loại đất có độ giữ ẩm và khả năng thoáng khí tốt. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, ánh nắng nhiều và lượng mưa phân bố đều, đây là điều kiện lý tưởng để phát triển vùng nguyên liệu thảo dược đặc hữu của Đà Nẵng.

Đặc điểm địa hình vùng Tràm bản địa xã Hòa Nhơn

Song song với việc khảo sát Tràm và Thanh hau, đoàn cũng đến thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến – một vùng nổi tiếng với nghề trồng Kiệu truyền thống, để đánh giá tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu Nén theo đề xuất của Công ty TNHH Hoàng Phong Dana. Kết quả cho thấy điều kiện thổ nhưỡng tại đây rất phù hợp với cây Nén, với nền đất thịt pha cát có độ pH dao động từ 6,0 đến 7,0. Việc bổ sung cây Nén vào cơ cấu sản xuất tại đây không chỉ đa dạng hóa lựa chọn canh tác cho người dân mà còn góp phần phát triển vùng nguyên liệu ổn định cho ngành dược liệu địa phương.

Đặc điểm đất trồng tại thôn Nam Sơn, Hòa Tiến

Đoàn tiến hành khảo sát điều kiện đất tại xã Hòa Tiến

TS. Phạm Châu Huỳnh – Giám đốc DBC nhấn mạnh: “Việc bảo tồn và phát triển các loài dược liệu bản địa, đặc biệt là Tràm gió và Thanh hau, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế thông qua việc tạo ra các sản phẩm thảo dược có giá trị cao, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý của địa phương. Đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của Đà Nẵng.”
Trong thời gian tới, DBC sẽ triển khai các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến để bảo tồn và phát triển bền vững các giống dược liệu bản địa này. Ưu tiên hàng đầu là phục hồi các quần thể Tràm và Thanh hau đang bị đe dọa, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu Nén chất lượng cao. Song song đó, Trung tâm sẽ hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn chi tiết cho người dân về quy trình trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm. Công ty TNHH Hoàng Phong Dana cam kết đồng hành cùng dự án thông qua việc bao tiêu sản phẩm đầu ra, góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm kết thúc chuyến đi

Chương trình này là một minh chứng cho mô hình hợp tác hiệu quả giữa đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân trong việc kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế xanh bền vững, đồng thời góp phần hiện thực hóa sứ mệnh của DBC trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học đặc thù cho vùng Nam Trung Bộ.

Công Bách – Hoàng Oanh