TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐÀ NẴNG

Tập Huấn “Kỹ Thuật Nuôi Ong Và Khai Thác Các Sản Phẩm Từ Ong Bền Vững” Và Bước Đầu Triển Khai Mô Hình Tại Xã Hòa Bắc

Sáng ngày 25/11, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn chuyên đề “Kỹ thuật nuôi ong bản địa và khai thác sản phẩm bền vững”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Tập huấn lý thuyết tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng

Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Châu Huỳnh – Giám đốc Trung tâm CNSH, đại diện đơn vị tổ chức, nhấn mạnh rằng nghề nuôi ong không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững.

Ông cũng khẳng định xã Hòa Bắc với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa là môi trường lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong mật. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào nuôi ong bản địa sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế và gìn giữ môi trường sống bền vững.

Lớp tập huấn thu hút sự tham gia của hai hộ dân được chọn triển khai mô hình thực tiễn là hộ ông Đinh Văn Hin và Phan Văn Bình tại thôn Tà Lang. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ từ Trung tâm, bốn hộ dân khác, gồm ông Alăng Bưa, Trần Văn Sáu, Trương Tử Long, và Nguyễn Đình Pháp, cũng được mời tham gia nhằm mở rộng cơ hội học hỏi, tiếp cận kỹ thuật nuôi ong hiện đại.

Nội dung tập huấn kỹ thuật

Tại lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn chi tiết về:

Kỹ thuật nuôi ong bản địa: Bà con được tiếp cận các kỹ thuật chọn giống ong, tạo ong chúa, nhân đàn, và thay ong chúa định kỳ để duy trì năng suất cao. Ngoài ra, các biện pháp xử lý thiên địch và bảo vệ đàn ong trước tác động của thời tiết khắc nghiệt cũng được hướng dẫn chi tiết.

Kỹ thuật khai thác sản phẩm: Quy trình thu hoạch mật ong và xử lý mật sau thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn thị trường được trình bày cụ thể. Các sản phẩm phụ như sáp ong, phấn hoa cũng được khai thác tối ưu để gia tăng giá trị kinh tế.

Phương pháp bảo vệ môi trường: Học viên được hướng dẫn cách áp dụng kỹ thuật nuôi ong thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa tác động đến tài nguyên đất và nước. Đồng thời, việc hỗ trợ hoạt động thụ phấn tự nhiên cũng góp phần duy trì hệ sinh thái bền vững.

Thực hành tại hiện trường

Các hộ tham gia mô hình được thực hành trên mô hình quy mô nhỏ với các tổ ong đã được lắp đặt theo tiêu chuẩn kỹ thuật tại Trung tâm Công nghệ Sinh học. Các hoạt động bao gồm kiểm tra đàn ong, lắp đặt thùng nuôi ong, và hướng dẫn cách nhận diện, xử lý các bệnh thường gặp ở ong.

Kết quả và triển vọng

Lớp tập huấn đã kết thúc thành công, giúp các hộ dân nắm vững kiến thức và kỹ thuật nuôi ong bản địa, từ cách quản lý đàn ong, bảo vệ thiên địch, xử lý bệnh đến khai thác và xử lý sản phẩm ong bền vững. Thông qua các buổi lý thuyết kết hợp thực hành tại hiện trường, người dân không chỉ hiểu rõ quy trình kỹ thuật mà còn nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường và phát triển sinh kế bền vững.

Đây là bước khởi đầu quan trọng để nhân rộng mô hình nuôi ong tại các khu vực khác, mang lại nhiều giá trị kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, mô hình cũng góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hòa Bắc, thúc đẩy bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và tạo nền tảng phát triển bền vững cho cộng đồng.

Các hộ tham gia mô hình cùng Chủ nghiệm Nhiệm vụ chụp hình lưu niệm

Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng cam kết tiếp tục đồng hành cùng địa phương, tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Lê Tình