TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐÀ NẴNG

Seminar “Nước mắm lên men truyền thống Việt Nam – Nhật Bản: Từ di sản văn hóa đến cơ hội đổi mới công nghệ phát triển thị trường”

Nhằm tăng cường trao đổi kiến thức, nghiên cứu và mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nước mắm truyền thống giữa các chuyên gia từ Đại học Yamagata và Viện Nghiên cứu Ngư nghiệp tỉnh Yamagata với các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp Đà Nẵng, sáng ngày 12 tháng 11, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng tổ chức buổi seminar chủ đề “Traditional fermented fish sauce Vietnam – Japan: From cultural heritage to opportunities for technological innovation and market development”[1].

Toàn cảnh buổi seminar

Với sự chủ trì của TS. Phạm Châu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm, buổi seminar vinh dự chào đón Trưởng đoàn GS. Takashi Okuno (nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực sinh lý học tại Đại học Yamagata), GS. Go Matsumoto (Đại học Yamagata), PGS. Tetsuya Shiroishi (Đại học Yamagata), TS. Makiko Saito và TS. Yu Sato từ Viện nghiên cứu Ngư nghiệp tỉnh Yamagata đã đến thăm và chia sẻ về các nghiên cứu, nền nước mắm truyền thống Nhật Bản và hoạt động thủy hải sản của tỉnh Yamagata.

Buổi seminar còn có sự tham gia của các đại diện từ các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đến sản xuất nước mắm tại làng nghề nước mắm Nam Ô- Đà Nẵng, gồm: ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Hợp tác xã Mắm Bình Minh, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô), ông Bùi Thanh Phú (Giám đốc Cơ sở Sản xuất Nước mắm Hương Làng Cổ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô); cùng các giảng viên TS. Nguyễn Sỹ Toàn và TS. Trần Thị Phú từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng; và cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng.

Mở đầu Chương trình, TS. Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học Ứng dụng, đã giới thiệu tổng quan các thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học công nghệ của Trung tâm, đồng thời chia sẻ định hướng phát triển Trung tâm trở thành phức hợp R&D – Ươm tạo đổi mới tại miền Trung Việt Nam.

TS. Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học Ứng dụng, giới thiệu về Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng

Trong phần trình bày “From Cultural Heritage To Modern Innovation: Fish Sauce Journey”[2], TS. Phạm Châu Huỳnh đã sơ lược về lịch sử hình thành và giá trị văn hóa của nước mắm Việt Nam, đặc biệt là nước mắm Nam Ô, một làng nghề có bề dày lịch sử tại Đà Nẵng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nước mắm không chỉ như một di sản văn hóa ẩm thực mà còn là sản phẩm tiềm năng cho sự phát triển công nghệ và thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, TS. Huỳnh đã chia sẻ một số kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm nước mắm tại Trung tâm. Qua đây, ông cũng hy vọng rằng seminar sẽ là cơ hội để mở rộng hợp tác nghiên cứu, nâng cao chất lượng và phát huy giá trị nước mắm truyền thống Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TS. Phạm Châu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm, trình bày “From Cultural Heritage To Modern Innovation: Fish Sauce Journey”

Thay mặt Đoàn Chuyên gia Nhật Bản, PGS. Tetsuya Shiroishi đã bày tỏ lòng biết ơn về sự tiếp đón nồng nhiệt và chia sẻ những nghiên cứu gần đây về nước mắm truyền thống Nhật Bản. Ông cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc trao đổi thông tin và nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong ngành thủy sản, đồng thời bày tỏ mong muốn tìm hiểu sâu hơn về các phương pháp phân tích, nghiên cứu và triển vọng hợp tác giữa nước mắm Việt Nam và Nhật Bản.

PGS. Tetsuya Shiroishi, Đại học Yamagata trình bày “Japanese Fish Sauce Culture – Recent Research Updates”

Ngoài ra, TS. Makiko Saito từ Viện Nghiên cứu Ngư nghiệp tỉnh Yamagata đã giới thiệu về tiềm năng thủy sản và các hoạt động ngư nghiệp của tỉnh Yamagata, góp phần làm rõ các điểm tương đồng và cơ hội hợp tác trong việc phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống.

TS. Makiko Saito, Viện Nghiên cứu ngư nghiệp tỉnh Yamagata, giới thiệu về Ngành Ngư nghiệp ở tỉnh Yamagara, Nhật Bản

Buổi seminar đã mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới không chỉ để nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm mà còn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề và ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Cả hai bên đều bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức các hội thảo và hội nghị quốc tế về nước mắm truyền thống, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác lâu dài và bền vững trong tương lai.

Một số hình ảnh trao đổi, thảo luận tại seminar

Hy vọng rằng buổi seminar sẽ là bước đệm quan trọng cho một mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc nghiên cứu và phát triển ngành nước mắm truyền thống, từ đó mở rộng cơ hội thương mại và nâng cao giá trị văn hóa, kinh tế của sản phẩm nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế.  

Võ Huyền


[1] “Nước mắm lên men truyền thống Việt Nam – Nhật Bản: Từ di sản văn hóa đến cơ hội đổi mới công nghệ phát triển thị trường”

[2] “Từ Di sản Văn hóa đến Đổi mới Hiện đại: Hành trình Nước Mắm”