Chiều ngày 29/3/2023, Chi bộ Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý I với chủ đề “Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới và sứ mệnh của Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng”.
Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Phạm Châu Huỳnh – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, đồng chí Đặng Quang Hải – Phó Bí thư Chi bộ, cùng toàn thể đảng viên và viên chức Trung tâm.
Theo phân công, đồng chí Nguyễn Quyết đã truyền đạt những nội dung cơ bản Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, bao gồm những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đồng chí Quyết cũng đã đưa ra những ví dụ, liên hệ cụ thể giữa chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Công nghệ sinh học với những nhiệm vụ chủ yếu được nêu trong Nghị quyết.
Với sự chủ trì của đồng chí Bí thư, đảng viên và viên chức dự họp đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về nhiều khía cạnh, vấn đề liên quan vai trò, nhiệm vụ của mỗi đảng viên, viên chức và Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đà Nẵng và các địa phương miền Trung – Tây Nguyên trong tình hình mới.
Trong phần kết luận, đồng chí Bí thư Chi bộ đánh giá cao chất lượng của bài giới thiệu bởi đồng chí Quyết, và các ý kiến thảo luận tại buổi sinh hoạt. Đồng chí một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Trung tâm trong việc chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết tại TP. Đà Nẵng. Đồng chí yêu cầu từng phòng ban, cá nhân tiếp tục nghiên cứu kỹ và chủ động đề xuất ý tưởng, nhiệm vụ để triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW vào công tác, và nêu rõ một số nội dung mà đơn vị cần ưu tiên như sau: (1) Tăng cường hoạt động R&D nhằm phát triển sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, y dược, du lịch, quốc phòng, an ninh, sản phẩm phục vụ xuất khẩu, (2) Chú trọng ứng dụng các công cụ và công nghệ mới như tin sinh học, các công nghệ sinh học “omics”, sức khoẻ kỹ thuật số, sinh học tổng hợp, y học cá nhân hóa, thu thập và phân tích dữ liệu sinh học, tự động hoá và tối ưu hóa các quy trình nghiên cứu và phát triển, dịch vụ và công nghiệp sinh học, (3) Ưu tiên nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản phẩm giá trị cao như thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm mới, sản phẩm và giải pháp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh học, bảo vệ môi trường và sinh thái; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, (4) Nghiên cứu phát triển nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển; phát triển du lịch và giáo dục trải nghiệm dựa trên kinh tế sinh học, (5) Phát triển mạng lưới hợp tác với các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tích cực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo lĩnh vực kinh tế sinh học của Đà Nẵng và miền Trung – Tây Nguyên.
Thùy Dương