Hội nghị Nấm học Toàn quốc lần thứ VI đã diễn ra thành công tốt đẹp từ ngày 7-9/11/2024 tại Khách sạn Minh Toàn Galaxy, thành phố Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại khu vực miền Trung, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành nấm học Việt Nam. Với chủ đề “Cập nhật Xu hướng – Kết nối Chuyên gia – Thúc đẩy Đổi mới”, Hội nghị do Hội Nấm học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đồng tổ chức, thu hút hơn 250 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Chương trình Hội nghị được thiết kế phong phú với phiên toàn thể và ba phiên chuyên đề sâu về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và hoạt động R&D – sản xuất – thương mại hóa. Gần 100 công trình nghiên cứu đã được công bố trong kỷ yếu, trong đó có khoảng 50 báo cáo được trình bày trực tiếp. Các nghiên cứu tập trung vào các chủ đề then chốt như bảo tồn đa dạng sinh học nấm, ứng dụng nấm trong nông nghiệp bền vững, phát triển các sản phẩm từ nấm có giá trị cao và phòng chống bệnh do nấm gây ra.
Trong phát biểu khai mạc, GS.TSKH. Trịnh Tam Kiệt đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành nấm trong phát triển kinh tế quốc gia: “Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến lĩnh vực Nấm đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư từ Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương. Với kỳ vọng trong tương lai gần, Nấm sẽ được đưa vào nhóm sản phẩm chủ lực của quốc gia.”

GS. TSKH Trịnh Tam Kiệt, Chủ tịch Hội Nấm học Việt Nam khai mạc Hội nghị Nấm học Toàn quốc lần thứ VI-Năm 2024 tại thành phố Đà Nẵng
TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, trong bài phát biểu chào mừng, đã đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Ông chia sẻ: “Những thành tựu từ hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái của cả nước nói chung và khu vực miền Trung nói riêng.”

TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng phát biểu chào mừng Hội nghị
Phiên toàn thể của Hội nghị được đồng chủ trì bởi GS.TSKH. Trịnh Tam Kiệt – Chủ tịch Hội Nấm học Việt Nam và TS. Phạm Châu Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng, đơn vị đăng cai tổ chức. Dưới sự điều phối của hai chủ tọa, phiên họp đã đón nhận những báo cáo khoa học giá trị từ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nấm học.
GS.TS. Mary Catherine Aime đến từ Đại học Purdue (Hoa Kỳ) đã trình bày nghiên cứu đột phá về vai trò của động vật trong việc phát tán nấm vùng nhiệt đới. GS.TS. Yoichi Honda từ Đại học Kyoto (Nhật Bản) chia sẻ những tiến bộ và triển vọng mới nhất về di truyền phân tử trong nghiên cứu nấm. Đặc biệt, GS.TS. Kasem Soytong, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật Nông nghiệp Đông Nam Á, đã giới thiệu những phát triển tiên tiến về chất kích kháng tự nhiên nano từ nấm.

GS. TS. Mary Catherine Aime, Bộ môn Phân loại Thực vật và Bệnh thực vật, Đại học Purdue, Hoa Kỳ

GS. TS. Yoichi Honda, Khoa Sau đại học về Nông nghiệp, Đại học Kyoto, Nhật Bản

GS. TS. Kasem Soytong, Khoa Nông nghiệp, Viện Kỹ thuật King Mongkut tại Ladkrabang, Thái Lan (KMITL), Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật Nông nghiệp Đông Nam Á

PGS. TS. Nguyễn Bảo Quốc, Khoa Khoa học Sinh học, Trường Đại học Nông – Lâm TP. Hồ Chí Minh
Một điểm nhấn đặc biệt của Hội nghị là khu vực trưng bày poster và triển lãm sản phẩm, nơi các nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội trình bày kết quả nghiên cứu của mình, và các nhà tài trợ giới thiệu các sản phẩm R&D và thương mại hoá tiêu biểu. Ban tổ chức đã vinh danh ba poster xuất sắc nhất, ghi nhận những đóng góp có giá trị cho ngành nấm học.

Trao giải poster xuất sắc

TS. Phạm Nguyễn Đức Hoàng, Tổng thư ký Hội Nấm học Việt Nam báo cáo chung về “Hoạt động của Hội Nấm học Châu Á và Hội Nấm học Việt Nam”
Tại lễ bế mạc, dưới sự chứng kiến của hai đồng Trưởng Ban Tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Bảo Quốc đại diện Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã nhận cờ luân lưu để đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ VII năm 2025 tại thành phố Quy Nhơn.
Ngày cuối của Hội nghị, các đại biểu đã có cơ hội tham quan các cơ sở công nghiệp nấm tiêu biểu tại Đà Nẵng và vùng lân cận, giúp kết nối lý thuyết với thực tiễn sản xuất.
Thành công của Hội nghị không chỉ thể hiện ở số lượng đại biểu tham dự và chất lượng các báo cáo khoa học, mà còn ở những cơ hội hợp tác mới được mở ra. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành nấm học Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.










Không gian trưng bày sản phẩm R&D và dịch vụ khoa học công nghệ của các nhà tài trợ

Toàn phiên Poster tại Hội nghị

Hình ảnh lưu niệm tại Hội nghị Nấm học Toàn quốc Lần thứ VI – Năm 2024
Hội nghị Nấm học Toàn quốc lần thứ VI được tài trợ bởi:
+Tài trợ Kim cương: Công ty TNHH Chế Biến Nông Sản Sao Mai; Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng.
+Tài trợ Vàng: Công ty TNHH Công nghệ M; Công ty TNHH MTV Hệ sinh thái VOS; Công ty TNHH B.C.E Việt Nam; Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Bốn Mùa.
+Tài trợ Bạc: Công ty TNHH Công nghệ Y Sinh Nam Anh; Công ty TNHH Khoa học Công nghệ tích hợp Vạn Nam; Công ty Cổ phần Công nghệ TBR.
+Tài trợ Đồng: Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Bear; Công ty TNHH Hoàng Phong Dana; Công ty CP Công nghệ Sinh học Minh Hồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ HTI.