1. Giới thiệu chung:
Cây Thuốc thượng có tên khoa học là Phaeanthus vietnamensis Ban., họ Na (Annonaceae). Tên gọi khác: Thuộc mọi, Da xà lắc, Thuốc dấu cà doong. Thuốc thượng có vị đắng, có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, kháng khuẩn, sát trùng, đặc biệt giảm đau mạnh, có thể hạ đường huyết; dùng uống trị viêm loét dạ dày, co thắt đại tràng, nhiễm trùng đường ruột, bệnh phụ khoa (khí hư, viêm loét sinh dục, thống kinh), và dùng ngoài chữa dịch đau mắt đỏ, bôi đắp ung nhọt, trĩ sang, lở loét.
Thông qua thực nghiệm nhân giống, trồng và chăm sóc cây Thuốc thượng tại Đà Nẵng thuộc Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng một số loài cây thuốc tại Đà Nẵng”, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã hoàn thiện xây dựng quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây Thuốc thượng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Đà Nẵng.
2. Quy trình kỹ thuật nhân giống cây Thuốc thượng bằng phương pháp gieo hạt
2.1. Nguyên vật liệu và phương pháp
– Nguyên vật liệu:
+ Hạt cây Thuốc thượng (hạt mẩy, đồng đều, chọn lọc từ quả trên cây mẹ khỏe mạnh).
+ Giá thể cát ẩm, chất điều hòa sinh trưởng thực vật (α-NAA), dụng cụ làm vườn (dao cắt, kéo tỉa, rổ rá,..), nhà trồng có lưới che và hệ thống tưới.
– Phương pháp: nhân giống hữu tính bằng phương pháp gieo hạt. Chọn lọc quả đạt tiêu chuẩn từ cây mẹ, tiến hành nhân giống vô tính trên nền giá thể sạch trong điều kiện tiêu chuẩn vườn ươm.
2.2. Sơ đồ khối của quy trình
2.3. Mô tả quy trình
– Chọn và xử lý hạt: Chọn chùm quả to, mẩy, chín đều (màu nâu đỏ) từ cây mẹ sinh trưởng, phát triển tốt. Hạt được phơi 2-3 nắng; ngâm nước ấm 10 giờ.
– Gieo hạt chăm sóc: Hạt sau khi được xử lý được gieo vào giá thể cát ẩm (dùng cát xây, rửa sạch, cho vào chậu hoặc khay ươm). Sau khi gieo, phủ lên 01 lớp giá thể mỏng để giữ ẩm. Gieo hạt trong nhà có lưới và giữ ẩm từ 75-80%. Sau từ 2,5-3 tháng gieo, hạt bắt đầu nảy mầm, phát sinh chồi và rễ mới.
– Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (cao 12-15cm, 3-4 lá, rễ khỏe, dài từ 3-4cm) có thể được tách bầu trồng chậu hoặc đưa ra vườn sản xuất.
3. Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thuốc thượng
3.1. Nguyên vật liệu và phương pháp
– Nguyên vật liệu:
+ Cây giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (cao 12-15 cm, có 3 – 4 lá, rễ khỏe dài trên 2 cm, không nhiễm sâu bệnh hại).
+ Giá thể, phân bón: phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, lân (P2O5), NPK 13: 13: 13 + TE.
+ Dụng cụ làm vườn (Dầm, cuốc,..), nhà trồng có lưới che và hệ thống tưới.
– Phương pháp: chọn lọc cây giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến hành công tác trồng, chăm sóc trong vườn có lưới che hoặc trong rừng tạp.
3.2. Sơ đồ khối của quy trình
3.3. Mô tả quy trình công nghệ
– Chọn vùng trồng: Chọn vùng trồng là nơi có khí hậu mát mẻ, cách xa các khu công nghiệp, nơi ô nhiễm. Chọn đất thịt nhẹ, tầng canh tác dày, thoát nước tốt, pH từ 5 – 7. Thuốc thượng có thể trồng dưới tán rừng, vườn nông hộ,.. có độ che sáng 50%.
– Thời vụ trồng Thuốc thượng tại Đà Nẵng là từ tháng 8, tháng 9 (đầu mùa mưa).
– Kỹ thuật làm đất: Đất phải được dọn sạch cỏ, cày làm kỹ, sạch cỏ dại, đào hố kích thước 30 x 30 x 30cm. Sau đó, bón lót phân, phủ lớp đất bột lên trên lớp phân, để ngăn cách cây tiếp xúc trực tiếp với phân.
– Mật độ và khoảng cách trồng: mật độ 6.667 cây/ha tương ứng với khoảng cách 1,0 x 1,5m.
– Phân bón và kỹ thuật bón phân:
+ Lượng phân: Năm thứ nhất (tính cho 1ha/năm): 4 tấn phân chuồng hoai mục + 115 kg N + 70 kg P2O5 + 70 kg K2O. Năm tiếp theo (tính cho 1ha/năm): 45 kg N + 55 kg P2O5 + 70 kg K2O.
+ Kỹ thuật bón phân:
Năm thứ nhất: Bón lót toàn bộ phân chuồng và P2O5. Khi cây cao khoảng 30 – 40 cm (sau trồng khoảng 45 ngày), bón thúc lần 1 với lượng 57,5 kg N + 35 kg K2O. Khi cây cao khoảng 120 cm (sau trồng khoảng 100 ngày), bón thúc lần 2 với lượng tương tự lần 1.
Năm tiếp theo: Bón thúc lần 1 (vào tháng 3, tháng 4 khi mầm mới bắt đầu chu kỳ sinh trưởng mới) với lượng 22,5 kg N + 27,7 kg P2O5 + 35 kg K2O. Sau khi thu hoạch lần 2, bón thúc lần 2 toàn bộ phân với lượng tương tự lần 1.
– Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
+ Lựa chọn thời điểm mưa ẩm để tiến hành trồng cây, thích hợp xuống giống là từ tháng 9, 10 (âm lịch). Đặt giống và lấp đất cao hơn mặt đất để tránh cây bị úng nước. Thường xuyên phát quang cỏ dại để cho cây sinh trưởng phát triển tốt.
+ Thuốc thượng là cây gỗ nhỡ thích hợp che lưới cắt nắng từ 50-70% hoặc trồng xen trong rừng gỗ tạp.
– Phòng trừ sâu, bệnh hại: Cây Thuốc thượng ít bị sâu bệnh gây hại. Khi phát hiện sâu bệnh hại cần xử lý bằng cách bắt sâu hoặc ngắt bỏ những cành bị bệnh.
– Thu hoạch và bảo quản: Cây mẹ sau trồng từ 2,5 – 3 năm bắt đầu cho thu hoạch bằng cách cắt cành, mỗi đợt cắt cách nhau từ 12-16 tháng. Cành mang lá được rửa sạch phơi nắng tự nhiên hoặc sấy khô (dưới 65oC) rồi cho vào túi 2 lớp, buộc chặt, ghi nhãn và bảo quản.
4. Kết quả ứng dụng quy trình vào sản xuất
Quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây Thuốc thượng đã được áp dụng thành công tại vườn thực nghiệm Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng và Bãi Xếp, Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Tiến Dũng