TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐÀ NẴNG

Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm phân trùn quế từ bã thải trồng nấm

Năm 2023, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã thực hiện thành công nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm phân trùn quế từ bã thải trồng nấm tại thành phố Đà Nẵngvới 3 nguồn bã thải sau trồng nấm đặc trưng và phổ biến tại địa phương. Nhiệm vụ đã xây dựng được 01 mô hình thí điểm sản xuất phân trùn quế từ bã thải trồng nấm tại 01 hộ chăn nuôi thuộc thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Phân trùn quế có rất nhiều ưu điểm nổi bật so với các phân bón khác trên thị trường vì mang lại nhiều lợi ích khi sử dụng với cây trồng như phòng, kháng bệnh cho cây ; dễ hấp thu, giữ ẩm tốt, ổn định độ màu mỡ cho đất lâu dài; năng suất cây trồng cao; làm tăng tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống và thích hợp cho các loại cây trồng. Bên cạnh đó, trùn quế là một loại thức ăn với hàm lượng đạm cao, đạt chất lượng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy hải sản.

Năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn với năm mục tiêu tổng quát và một trong ba mục tiêu về môi trường là “hạn chế chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”, cụ thể tỷ lệ rác thải hữu cơ được tái chế đến năm 2030 là 100%. Vì vậy, năm 2023, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm phân trùn quế từ bã thải trồng nấm tại thành phố Đà Nẵng” với mục đích xử lý triệt để lượng bã thải sau trồng nấm, kết hợp tận dụng nguồn phân thải từ chăn nuôi gia súc và tạo thành chu trình sản xuất khép kín trong nông nghiệp tuần hoàn.

Nhiệm vụ đã thử nghiệm sản xuất phân trùn quế trên 3 nguồn bã thải sau trồng nấm Rơm, nấm Bào ngư với thành phần nguyên liệu chính là bông, rơm và mùn cưa. Quá trình sản xuất thử nghiệm 3 nghiệm thức tương ứng 3 nguồn bã thải có cùng tỷ lệ phối trộn nguyên liệu, phân chuồng, sinh khối trùn quế và cùng các điều kiện chăm sóc, cho ăn. Phân tích 3 sản phẩm phân trùn quế thành phẩm đều cho kết quả an toàn với vi sinh vật gây hại, kim loại nặng; tổng số vi sinh vật hiếu khí có mật lớn hơn 1,0 × 106 CFU/g; các chỉ tiêu về tỷ lệ C/N, độ pH, độ ẩm đều đạt theo tiêu chuẩn quy định của phân hữu cơ. Thông qua các kết quả, nhiệm vụ đã: (1) Chọn được nguồn bã thải sau trồng nấm Rơm (bông) thích hợp nhất cho việc nuôi trùn quế vì có năng suất thu hoạch phân trùn quế cao nhất, cũng như chất lượng phân trùn quế tốt hơn 2 nguồn bã thải còn lại; (2)  Xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất phân trùn quế từ bã thải sau trồng nấm với quy mô hộ gia đình/trang trại.

Sơ đồ quy trình kỹ thuật sản xuất phân trùn quế từ bã thải sau trồng nấm

Thực nghiệm cũng cho thấy, quy trình kỹ thuật sản xuất phân trùn quế từ bã thải sau trồng nấm có thể triển khai với nhiều quy mô lớn/nhỏ, với các địa hình khác nhau; chi phí đầu tư ban đầu và chi phí sản xuất thấp. Bên cạnh đó, phân trùn quế có nhiều ưu điểm nổi bật khi sử dụng, giá thành và nhu cầu trên thị trường cao hơn các loại phân bón khác. Vì vậy, việc sử dụng phân chuồng tươi từ chăn nuôi gia súc làm nguồn thức ăn; tận dụng bã thải sau trồng nấm là nguyên liệu để sản xuất phân trùn quế là một lựa chọn có giá trị kinh tế cho các hộ chăn nuôi và hộ sản xuất nấm trên địa bàn thành phố.

Mô hình sản xuất thử nghiệm phân trùn quế từ bã thải trồng nấm tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang:

Toàn cảnh mô hình tại địa phương.

Một số hình ảnh về sản phẩm phân trùn quế và trùn quế tươi (giống) thuộc nhiệm vụ:

Với mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ phát triển sản xuất của địa phương, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đang triển khai các kế hoạch nhằm hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất phân trùn quế trên toàn thành phố, cụ thể gồm: (1) Cung cấp giống (sinh khối) trùn quế, (2) Tập huấn/chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất phân trùn quế từ bã thải sau trồng nấm với quy mô hộ gia đình/trang trại.

Thu Thủy